Tổng quan
Trung tâm khu Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3 km theo hướng nam, cách thành phố Ninh Bình 7 km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An, cách thị xã Tam Điệp 16 km theo hướng bắc qua Tam Cốc, cách Hà Nội 96 km theo hướng nam. Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 2.000 ha, là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong khu rừng đặc dụng Hoa Lư, thuộc quy hoạch bảo tồn cố đô Hoa Lư và cũng thuộc quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.000 ha.
Hang động
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu[6]. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m. Hang động Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật của một khu di sản với bốn loại hang động chính: Hang ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang mái đá và hang hàm ếch.
Trong quần thể danh thắng Tràng An có nhiều hang động được công nhận là di tích khảo cổ học, chúng đang được các nhà khoa học Anh tiến hành nghiên cứu như:
Di tích hang Trống là hang động có nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000-30.000 năm trước.
Di tích hang Bói thuộc nằm giáp gianh giữa hai xã Trường Yên và Gia Sinh nơi đây có dấu ấn của cư dân cổ sống cách đây từ 5.000 năm đến 30.000 năm.
Di tích Mái đá Thung Bình (Gia Sinh - Gia Viễn) xuất lộ dấu tích cư dân văn hóa Hòa Bình.
Cụm di tích hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình có dấu ấn văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đa Bút.
Di tích mái đá Hang Chợ (Ninh Hải - Hoa Lư) có tầng văn hóa Hòa Bình cách đây trên 10.000 năm.
Non nước
Không giống như ở Tam Cốc là hình thức du thuyền trên sông và Vân Long là du ngoạn đầm sinh thái rộng lớn, Tràng An có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh. Vẻ đẹp Tràng An trong làn khói núi, thành xưa quyến rũ như trong thơ ca của Nguyễn Du:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Đa dạng sinh học
Khu vực Tràng An có 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thuỷ vực. Sự đa dạng sinh vật của các quần xã là một yếu tố chủ yếu cấu thành 2 hệ sinh thái này. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hoà giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thuỷ vực toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc hoà quyện với nhau thành một vùng kỳ vĩ hiếm có trên thế giới.
Tràng An thuộc khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư (rừng đặc dụng Hoa Lư) được thành lập ngày 19/05/1995. Thảm thực vật tự nhiên ở Hoa Lư là rừng trên núi đá vôi và rừng thường xanh trên đất thấp ở các thung lũng đan xen giữa các vùng đá vôi. Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Hệ sinh thái trên cạn Tràng An với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật mà trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái dưới nước bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là Rùa cổ sọc cần được bảo vệ. Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao quý hiếm như Tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v. Tràng An có nhiều loài chim thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng.
Văn hóa
Giá trị lịch sử
Lễ hội thần Quý Minh Đại Vương
Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau.: thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại; thành Tây nằm ở bên trong giáp với vùng núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành hiện được gọi là Tràng An. Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như kinh đô đá với đặc điểm: núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện.
Tương truyền, Vua Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư – Ninh Bình. [18] Hiện nay, Tràng An thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư theo quyết định số 82 /2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ Việt Nam. Khu vực này đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất đã dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Địa hình Tràng An là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó.
Khi nạo vét ở các hang động, các nhà khoa học phát hiện được nhiều di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Tràng An đồng thời cũng là kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông của triều đại nhà Trần.
Di tích Tràng An
Thành Nam Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư nên nơi đây còn nhiều đền phủ, dấu tích của các quan lại triều Đinh và nhà Trần sau này. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương tiêu biểu như:
Đền Trình
Đền Trình là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua.Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn.
Đền Trần
Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn.Đền còn có tên là đền Nội Lâm (cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần). Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Phủ Khống
Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt.